Trang chủ / TIN MỚI NHẤT / Tin chuyên ngành / Xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn rất thuận lợi

Xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn rất thuận lợi

     Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng nông nghiệp, nông thôn chủ lực tiếp tục tăng trưởng về giá trị xuất khẩu. Trong đó, có những mặt hàng tăng trưởng rất tốt như gạo (đạt 1,497 tỷ USD; tăng 44,3%); hạt điều (đạt 1,405 tỷ USD; tăng 26,2%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (đạt 132,812 triệu USD; tăng 23,3%); rau quả (đạt 1,664 tỷ USD; tăng 19,3%); thủy sản (đạt 3,208 tỷ USD; tăng 13,3%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 3,374 tỷ USD; tăng 11,3%)…

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi

     Gạo là một trong những mặt hàng yên tâm nhất về đầu ra khi liên tục có những thông tin tốt về nhu cầu từ các thị trường nhâp khẩu. Mới đây, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã có hướng dẫn về lượng gạo nhập khẩu tư nhân theo quy chế MAV 2018. Theo đó, MAV 2018 có số lượng nhập khẩu 805.200 tấn gạo, được chia thành nhiều lô hàng. 2 lô hàng lớn nhất với khối lượng 293.100 tấn/lô sẽ mua từ Thái Lan và Việt Nam.

     Các nước nhập khẩu khác ở châu Á như Indonesia, Malaysia… vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu thêm gạo. Châu Phi được dự báo sẽ quay lại thị trường gạo trong quý III. Dù Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu gạo trắng sang châu Phi (do ở xa hơn so với Ấn Độ, Myanmar…), nhưng việc châu Phi đẩy mạnh nhập khẩu gạo trở lại, sẽ làm cho thị trường thế giới càng sôi động hơn nữa, giúp cho giá gạo xuất khẩu có nhiều cơ hội duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm. Mặt hàng rau quả, tuy tốc độ tăng trưởng đã giảm nhiều trong tháng 4 và tháng 5, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng mùa vụ rau quả chung trên toàn cầu (nhiều nước vào vụ thu hoạch trái cây). Nhu cầu rau quả vẫn đang tiếp tục tăng trên thị trường thế giới. Do đó, xuất khẩu rau quả sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng ở mức cao trong những tháng tới. Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ vẫn đang tăng trưởng khá ổn định. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Điểm đáng chú ý trong ngành gỗ năm nay là tiếp tục có thêm nhiều đơn hàng của các khách hàng châu Âu và Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

     Đặc biệt, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ không chỉ duy trì và tiếp tục tăng trưởng ở các thị trường quan trọng nhất là Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản, mà còn đang tăng trưởng rất mạnh ở một số thị trường khác, nổi bật là Hàn Quốc. Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang Hàn Quốc đạt 289 triệu USD, tăng tới 45,13% so cùng kỳ năm ngoái. Với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, xuất khẩu gỗ Việt Nam sang nước này sẽ còn tăng trưởng khả quan trong thời gian tới.

     Trong ngành thủy sản, dù giá tôm xuất khẩu giảm do ảnh hưởng của sự giảm giá chung trên toàn cầu, nhưng bù lại, giá nhiều mặt hàng chủ lực khác lại tăng khá như cá tra, cá đông lạnh, cá ngừ các loại, bạch tuộc… Về triển vọng thị trường trong nửa cuối năm, dự báo phần lớn các mặt hàng chủ lực sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Đáng chú ý là sau khi giảm mạnh trong tháng 5, giá tôm đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ tăng lên trong những tháng tới khi nguồn cung giảm trên toàn cầu, giúp cho việc tăng trưởng xuất khẩu tôm trở nên khả quan hơn. Ở mặt hàng cà phê, tuy giá trị xuất khẩu cà phê nói chung có giảm so với cùng kỳ năm ngoái (chủ yếu do giá giảm trên toàn cầu), nhưng có một điểm sáng rất đáng ghi nhận là xuất khẩu cà phê hòa tan tăng trưởng rất tốt. Theo Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 41.754 tấn, trị giá 160,952 triệu USD, tăng 23,5% về lượng và 19,6% về giá trị. Sự tăng trưởng mạnh của cà phê hòa tan xuất khẩu cho thấy cơ cấu cà phê xuất khẩu đang chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng sản phẩm chế biến sâu, giảm xuất thô, qua đó góp phần làm tăng mạnh giá trị cà phê xuất khẩu. Nhìn vào giá xuất khẩu cà phê nhân Robusta và cà phê hòa tan là thấy rõ điều này. Trong 4 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê nhân Robusta đạt bình quân 1.778 USD/tấn, còn giá bình quân cà phê hòa tan là 3.855 USD/tấn.

     Trong lĩnh vực chăn nuôi, xuất khẩu thịt gà đang tăng trưởng tốt và đầy triển vọng trong thời gian tới, dù giá trị còn khá khiên tốn so với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác. Từ đầu năm đến nay, lượng thịt gà xuất khẩu đã cao gấp 3 lần so với xuất khẩu trong năm ngoái. Hiện tại, bình quân mỗi tháng có 4 – 5 container thịt gà được xuất khẩu sang Nhật Bản. Lượng xuất khẩu như trên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường Nhật Bản. Vì thế, Cty Koyu & Unitek đang làm những công việc cần thiết để sớm đưa thêm một dây chuyền giết mổ gà đáp ứng được các yêu cầu ATTP của Nhật Bản vào hoạt động, qua đó có thể tăng đáng kể sản lượng thịt gà xuất khẩu sang Nhật trong thời gian tới.

Tác giả: TRẦN THANH SƠN

Nguồn: vinacas.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.