Trang chủ / TIN MỚI NHẤT / Sẽ thay đổi công thức tính giá xăng dầu

Sẽ thay đổi công thức tính giá xăng dầu

     Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ là việc xem xét thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

     Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ là việc xem xét thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu – yếu tố có thể khiến giá bán lẻ xăng dầu có nhiều thay đổi.

     Hai phương án tính giá với nguồn trong nước

     Cụ thể, tại điều 24 của dự thảo nghị định đã bổ sung điều 38a của Nghị định 83 về công thức giá cơ sở như sau: Giá cơ sở xăng dầu được tính bằng (=) Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân (x) với tỷ trọng (%) sản lượng nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân (x) với tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu trong nước. Theo đó, tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định hằng quý. Tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành trong quý tiếp theo.

     Điểm đáng chú ý nhất trong công thức này là cách tính toán giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước. Phương án 1 như sau: Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới cộng (+) hoặc trừ (-) Premium (nếu có) cộng (+) Chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức tối đa cộng (+) Thuế, phí và các khoản trích nộp theo quy định cộng (+) Mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cộng (+) Lợi nhuận định mức.

     Trong đó, Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá xăng dầu thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng và không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất. Premium do Bộ Tài chính xác định.

     Phương án 2: Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng (=) Giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu cộng (+) Chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức tối đa cộng (+) Thuế, phí và các khoản trích nộp theo quy định cộng (+) Mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cộng (+) Lợi nhuận định mức.

     Kiến nghị chọn phương án ít nhược điểm

     Với phương án 1, Bộ Công thương cho rằng sẽ thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá khi ngoài biến số đầu vào là giá thế giới thì các chi phí định mức khác đều có thể kiểm soát được, đồng thời không làm phát sinh thủ tục cho doanh nghiệp (DN) như phải kê khai giá bán, không gây xáo trộn đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện hành.

     Tuy nhiên, hạn chế là sẽ có thể chưa phản ánh hết thực tế mua bán xăng dầu từ nguồn trong nước. Nếu hiểu không đúng bản chất hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ có những ý kiến dư luận trái chiều. Bởi trong bối cảnh xăng dầu được mua từ nguồn trong nước chiếm đa số (năm 2019 là 75 – 80%); giá mua bán là do DN trong nước được quyết định và thỏa thuận đàm phán với DN đầu mối. Song thực tế việc thỏa thuận vẫn phải dựa trên giá xăng dầu thế giới để áp dụng tính giá nhưng do không được kiểm soát nên có thể dẫn đến tình trạng nâng mức chi phí phụ phí lên quá cao để hưởng lợi.

     Còn thực hiện phương án 2 sẽ tạo bước đệm giúp giá cơ sở tiệm cận thị trường, khi nguồn trong nước đã bảo đảm được 70 – 80%, nhất là khi trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn 2 DN lọc dầu trong nước.

     “Như vậy, xét về góc độ lý luận thì mức giá mua bán giữa các công ty sản xuất xăng dầu trong nước và DN đầu mối sẽ được quyết định bởi yếu tố cạnh tranh ngay trong nước, thậm chí cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, giá xăng dầu trong nước được xác định là đại diện để tính giá cơ sở sẽ mang lại lợi ích từ việc giảm giá bán cho người tiêu dùng”, tờ trình của Bộ Công thương nêu rõ.

     Tuy nhiên, do Việt Nam mới chỉ có 2 công ty sản xuất xăng dầu nên áp lực cạnh tranh từ nguồn bán xăng dầu trong nước chưa đủ mạnh, các DN sản xuất trong nước chỉ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Vì vậy, cả 2 DN sản xuất xăng dầu đã và sẽ tiếp tục căn cứ vào giá nhập khẩu để đàm phán giá mua bán trong nước, vì nếu cao hơn sẽ không bán được hàng.

     Dù vậy, nếu theo phương án này thì giá bán xăng dầu trong nước sẽ là đại diện để tính giá cơ sở do chiếm 70 – 80%. Nếu thuận lợi thì giá trong nước sẽ được DN tính trên cơ sở giá Platts Singapore cộng phụ phí, đảm bảo luôn tương đương hàng nhập khẩu.

     Song, Bộ Công thương cũng lo ngại việc các DN lợi dụng cơ chế thỏa thuận để tăng giá bán bằng cách điều chỉnh tăng khoản phụ phí. Khi đó, giá cơ sở là mức giá để cơ quan quản lý điều hành giá bán lẻ sẽ không theo diễn biến giá thế giới và chắc chắn sẽ tăng cao so với hiện hành khoảng 5%, gây thiệt cho người tiêu dùng.

     Từ những phân tích trên, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét lựa chọn phương án 1, phương án được cho là ít nhược điểm hơn.

Nguồn: thanhnien.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.