Trang chủ / TIN MỚI NHẤT / Gạo xuất khẩu giảm thêm 5 USD/tấn để tăng sức cạnh tranh

Gạo xuất khẩu giảm thêm 5 USD/tấn để tăng sức cạnh tranh

     Trong 2 ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm thêm 5 USD, bán ra ở mức 468 USD/tấn để tăng sức cạnh tranh với gạo các nước.

     Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 2 ngày qua, giá các loại gạo xuất khẩu 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm của Việt Nam đã đồng loạt giảm thêm 5 USD/tấn để tăng sức cạnh tranh với gạo của các nước cùng xuất khẩu như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan…

     Ngày 30.6, gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu với giá 468 USD/tấn; gạo 25% tấm xuất khẩu với giá 448 USD/tấn; gạo 100% xuất khẩu với giá 408 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan xuất khẩu ở mức 413 USD/tấn (gạo 5% tấm), 398 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 368 USD/tấn (gạo 100% tấm).

     Giá gạo 5%, 25% và 100% tấm của Ấn Độ bán ra tương ứng mức giá 388 USD/tấn, 358 USD/tấn và 273 USD/tấn. Gạo cùng loại của Pakistan cũng bán ra ở mức lần lượt là 408 USD, 353 USD và 333 USD/tấn.

     Như vậy, so với giá gạo của các nước cùng xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan tới 55 USD/tấn; cao hơn gạo của Ấn Độ 80 USD/tấn và cao hơn gạo của Pakistan 60 USD/tấn.

     Vì vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt buộc phải giảm để nâng cao năng lực cạnh tranh. So với thời điểm cách đây 3 tháng, giá gạo của Việt Nam đã giảm khoảng 25-40 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 30.3.2021 ở mức 508 USD/tấn (cao hơn hiện nay 40 USD/tấn), gạo 25% tấm ở mức 483 USD/tấn (cao hơn hiện nay 35 USD/tấn); gạo 100% tấm ở mức 408 USD/tấn, cao hơn hiện nay khoảng 25 USD/tấn.

     Trao đổi với PV Lao Động, doanh nhân Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ: Gạo Việt Nam chất lượng cao, nhưng do sức ép cạnh tranh từ việc nhập khẩu gạo giá rẻ của Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm qua, nên giá gạo phải giảm để tăng cơ hội xuất khẩu.

     Ông Phạm Thái Bình cho rằng, biện pháp hiệu quả để nâng cơ hội xuất khẩu của gạo Việt Nam không phải là giảm giá bán, mà phải kiểm soát không để xảy ra tình trạng gian lận thương mại để bảo vệ uy tín gạo Việt. Theo đó, cần giám sát và kiểm soát được gạo Ấn Độ giá rẻ được nhập khẩu về Việt Nam theo các tiêu chí: Nhập khẩu để làm gì? Đã nhập được bao nhiêu?

     Nhiều doanh nhân cũng không đồng tình với việc đưa 100% gạo nhập khẩu vào luồng đỏ, vì như vậy là trái với nguyên tắc cải cách hành chính, tháo gỡ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

     “Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần khoanh vùng ngay những doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, không nên đưa cả ngành gạo vào luồng đỏ. Vì làm như vậy thì các doanh nghiệp chân chính và nông dân trồng lúa cùng bị “đánh đồng” với các doanh nghiệp gian lận, và các doanh nghiệp chân chính cùng nông dân trồng lúa lại tiếp tục bị thua thiệt” – doanh nhân Phạm Thái Bình nói.

Nguồn: laodong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.